Có rất nhiều người đang băn khoăn, lo lắng vì không biết cần mang theo những giấy tờ nào khi mượn xe máy của người thân mà không vi phạm pháp luật. Thông qua bài viết dưới đây, Luật sư HT Legal VN sẽ hỗ trợ các bạn nỗi băn khoăn, lo lắng này nhé.

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
  • Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) ;
  • Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (gọi tắt là Thông tư số 32/2023/TT-BCA).

Nội dung

  • Các loại giấy tờ cần mang theo khi mượn xe máy của người thân?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định thì người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau đây:

  • Giấy đăng ký xe;
  • Giấy phép lái xe (hay còn gọi là bằng lái xe);
  • Các giấy tờ tùy thân như CCCD/CMND hoặc hộ chiếu;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (hay còn gọi là bảo hiểm xe máy).

Hiện nay, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử (VneID) thì sẽ không cần mang các giấy tờ đó mà Cảnh sát giao thông có thể kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử, việc kiểm tra thông tin trên tài khoản định danh có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ (được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư số 32/2023/TT-BCA).

Lưu ý: Người lái xe khi lái xe máy thì cần phải đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe máy có dung tích dưới 50cm3 và đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô 02 bánh/03 bánh có dung tích 50cm3 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

  • Mượn xe máy của người thân có bị phạt lỗi không chính chủ hay không?

Hiện nay, chưa có một quy định nào nêu ra khái niệm thế nào là lỗi không chính chủ. Tuy nhiên, hiểu một cách đúng luật thì căn cứ tại điểm a khoản 4; điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì lỗi “không chính chủ” là việc chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên (để chuyển tên chủ xe trong Giấy chứng nhận đăng ký xe sang tên của mình) tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.

Nếu việc chuyển quyền sở hữu xe máy theo hình thức mua bán, tặng cho, thừa kế,… mà không thực hiện việc đăng ký sang tên thì sẽ phạt lỗi đi xe không chính chủ. Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định :

“4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  1. a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô”.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì chủ phương tiện xe máy là cá nhân sẽ bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng và đối với tổ chức lên đến 1.200.000 đồng.

Vấn đề cần lưu ý: Pháp luật hiện hành chỉ quy định xử phạt đối với những giao dịch liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản mà không thực hiện sang tên xe. Còn đối với trường hợp mượn xe chính chủ từ người thân hay bạn bè khi tham gia giao thông thì sẽ không bị phạt.

  • Cho người chưa đủ tuổi mượn xe máy sẽ bị phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: 

“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).

Theo quy định trên thì mức xử phạt hành chính đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy là cá nhân lên đến 2.000.000 đồng và đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy là tổ chức lên đến 4.000.000 đồng khi Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, nếu cho người chưa đủ tuổi mượn xe mà người đó lại gây tai nạn mà theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” phải chịu trách nhiệm hình sự thì tùy theo mức độ hậu quả mà phải chịu hình phạt tương ứng.

Đồng thời, chủ xe cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế do ảnh hưởng từ vụ tai nạn gây ra hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là những chia sẻ từ Công ty Luật TNHH HT Legal VN về việc “Mượn xe máy của người thân cần mang theo những giấy tờ nào” đến Quý khách hàng. Nếu các bạn cần hỗ trợ pháp lý về thủ tục đăng ký xe, mua bán/chuyển nhượng xe hoặc các vấn đề pháp lý khác thì liên hệ đến Công ty Luật TNHH HT Legal VN

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh 

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com              Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Không có bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *