Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận tại các bản Hiến pháp, cụ thể: Hiến pháp năm 1956 (Điều 29), Hiến pháp năm 1980 (Điều 73), Hiến pháp năm 1992 (Điều 74) và Hiến pháp năm 2013 (Điều 30). Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011. Đối với khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được quy định từ Điều 140 đến Điều 159, Chương VI của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định rõ ràng, chính xác giữa khiếu nại và tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của sự khó phân định này là do quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, do ý chí chủ quan của đương sự, khi thì có đơn khiếu nại, khi thì có đơn tố cáo, thậm chí rất nhiều đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo. Trong bài viết này tác giả đưa ra một số tiêu chí để trao đổi và vận dụng trong quá trình xử lý đơn khiếu nại và tố cáo.
Không có bình luận